Đông con nhưng không ai muốn chăm sóc, người mẹ Trung Quốc làm một việc khiến các con phải thay đổi suy nghĩ.
Tôi năm nay 74 tuổi, đang dưỡng già tại một viện dưỡng lão ở Thâm Quyến. Vợ tôi đã qua đời được 2 năm. Cả hai chúng tôi có 4 người con, 3 trai, 1 gái. Hiện tất cả đã có gia đình và cuộc sống riêng. Ngày trước, vợ chồng tôi rất vui vì nhà đông con, lúc nào cũng vui vẻ. Hai chúng tôi cố gắng làm lụng để nuôi các con nên người, cũng mong mỏi sau này về già sẽ có thể được nương nhờ. Ấy vậy mà mọi chuyện lại đi theo chiều hướng khác.
Đông con nhưng chẳng được nhờ
Sau khi con gái út đi lấy chồng, vợ chồng tôi bắt đầu cuộc sống không còn các con bên cạnh. Dẫu vậy vào thời điểm đó, chúng tôi vẫn còn công việc để khỏa lấp đi nỗi trống vắng. Đến tuổi nghỉ hưu, nỗi buồn của hai người già bắt đầu nhiều thêm. Các con bận chuyện cơm áo gạo tiền, bận việc gia đình nên hiếm khi về thăm. Điều đó chúng tôi đều hiểu, thế nhưng đến mấy cuộc điện thoại gọi điện hỏi han cũng không có khiến vợ chồng tôi rất buồn lòng. Thi thoảng vì quá nhớ con cháu, vợ chồng tôi lại bắt xe tới nhà thăm các con.
Cuộc sống về hưu đối với vợ chồng tôi khá nhàn rỗi. Ngoài đi tập dưỡng sinh, sinh hoạt câu lạc bộ với những người già trong khu phố, chúng tôi cũng không còn niềm vui nào khác. Lương hưu hai vợ chồng tổng cộng 7.000 NDT (gần 23 triệu đồng), với cuộc sống người già thì cũng được gọi là đầy đủ. Vì thế, chúng tôi cũng không cần con cái phải chu cấp thêm.
Thế nhưng 2 năm trước, vợ tôi đổ bệnh rồi qua đời. Cú sốc mất đi người bạn đời khiến tôi tựa như không thể vượt qua nổi, cần người chăm sóc. Lúc đó 4 người con của tôi thường xuyên thay nhau về nhà chăm tôi. Có lần, tôi nghe thấy cả 4 bàn nhau chuyện ai nên đón tôi về nhà sống bởi lo tôi ở 1 mình không sẽ không an tâm. Lúc đó, tôi cũng khá mừng vì các con không vô tâm như mình vẫn nghĩ. Tuy nhiên, kết quả lại khiến tôi phải nhìn lại vào thực tế.
Sau khi thảo luận, không đứa con nào muốn đón tôi về sống cùng gia đình. Con trai cả lấy lý do nhà đông người, kinh tế không vững nên không dám để mẹ ở cùng. Con trai thứ 2 đang ở rể, đón tôi về cũng không tiện. Con trai thứ 3 lại lấy lý do hai vợ chồng bận rộn công việc, suốt ngày đi công tác, dù đón tôi về cũng không thể chăm sóc tốt cho tôi.
Nghe thấy vậy, tôi thấy hơi buồn nhưng vẫn dành hy vọng cuối cùng cho cô con gái út. Nó là đứa thương tôi nhất nhà, ở với tôi cũng lâu nhất, có lẽ nó sẽ đón tôi về ở cùng. Thế nhưng niềm hy vọng của tôi cũng bị dập tắt khi con gái út bảo con rể không thoải mái khi tôi về ở cùng. Nghe đến đây, tôi biết tuổi già của mình sẽ chẳng thể dựa dẫm vào con cái. Tôi biết mình phải mạnh mẽ hơn và phải có kế hoạch cụ thể cho chuỗi ngày 1 mình sau này.
Ôm bọc tiền dưỡng già, chẳng cần phụ thuộc con cái
Sau khi lấy lại tinh thần, tôi tính toán số lương hưu của mình và số tiền tiết kiệm của vợ chồng tôi lúc trước. Sau khi chạy chữa cho vợ, chúng tôi vẫn còn một khoản tiền tiết kiệm kha khá. Tôi cũng biết tuổi già sẽ có những biến cố bất thường mà tôi không thể nào biết và kiểm soát được. Ví dụ như bệnh tật sẽ ập đến bất ngờ, khiến mình không còn đủ tỉnh táo hoặc không thể làm chủ hoàn toàn cơ thể, suy nghĩ của mình. Lúc đó, nếu không có người bên cạnh thì sẽ không ổn.
Tôi nghĩ, nếu các con đã không muốn chăm sóc mình, vậy tôi sẽ thuê người tới chăm sóc hoặc đến viện dưỡng lão sống nốt phần đời còn lại. Tôi lên kế hoạch bán căn nhà đang ở lúc đó và nhờ các con tìm người mua nhà giúp. Thấy vậy, cả 4 đứa con của tôi đều không đồng ý việc tôi lấy tiền bán nhà để vào viện dưỡng lão ở.
Ngày nào, các con cũng bớt thời gian về nhà thăm tôi, khuyên tôi nên giữ lại ngôi nhà nhưng cũng chẳng ai nhắc đến việc đón tôi về chăm sóc hay chu cấp. Tôi hiểu ra rằng thứ mà 4 đứa con của mình quan tâm là ngôi nhà chứ không phải tôi. Có lẽ, nếu giữ lại ngôi nhà, sau này khi tôi qua đời, các con có thể chia nhau khoản thừa kế này. Đến cuối cùng dù muốn hay không, tôi vẫn phải tự mình sắp xếp cuộc sống của mình.
Tôi vẫn giữ nguyên quyết định của mình. Sau khi bán nhà được 2,1 triệu NDT (gần 7 tỷ đồng), tôi đến viện dưỡng lão ở. Số tiền đó được gửi vào sổ tiết kiệm, được tôi dùng để trang trải chi phí tại nơi ở mới này. Cuộc sống ở viện dưỡng lão không nhàm chán như tôi từng lo sợ. Tại đây, tôi được chăm sóc rất tốt, lại có nhiều bạn bè cùng hoàn cảnh nên dễ trải lòng mình.
Lúc này, 4 đứa con của tôi vì để tôi sống ở viện dưỡng lão nên thường bị họ hàng đàm tiếu những điều không hay, cũng đã bắt đầu thấy hối hận. Tất cả bàn nhau sắp xếp thời gian, hàng tuần chia lượt đến thăm tôi. Quả thực, cuộc sống về già không cần vướng bận chuyện tiền bạc khiến tôi thấy lòng mình thoải mái đến lạ, việc ở đâu cũng chẳng còn quan trọng nữa.
Có thể thấy, tuổi già ai cũng nên có một khoản tiền dự trữ cho riêng mình. Nếu như không thể nhờ vả con cái, chúng ta vẫn có thể tự làm chủ được cuộc sống của mình. Có như vậy, những năm tháng sau này mới đỡ muộn phiền, âu lo.