Hiện nay, nhiều người dân gặp tình trạng bị đòi tiền dù không vay nợ. Khi gặp tình huống này, người dân cần bình tĩnh xử lý.
Theo báo CAND TP HCM, thông tin từ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Quảng Ninh cho hay trong thời gian gần gây nhiều người dân bị các đối tượng đồi nợ bằng điện thoại, tin nhắn hay bêu xấu trên mạng xã hội dù không vay mượn, không bảo lãnh, thậm chí không quen biết với người mượn tiền qua các app (ứng dụng) cho vay tiền.
Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, các sự việc này có thể bắt nguồn từ hai nguyên nhân.
Một là người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người bị gọi điện đã vay tiền qua ứng dụng và không trả đúng hạn. Do đó, các đối tượng đòi nợ sử dụng dữ liệu trong danh bạn của "con nợ" để nhắn tin, gọi điện để đòi nợ dù người bị gọi không hề liên quan đến các khoản vay nợ.
Hai là do thủ tục vay tiền qua ứng dụng hết sức đơn giản, người vay chỉ cần cung cấp thông tin CMND, CCCD là có thể vay được tiền. Vì vậy, một số đối tượng xấu đã lợi dụng đánh cắp thông tin hoặc sử dụng thông tin công khai của người dân để thực hiện thủ tục vay tiền qua ứng dụng và không hoàn trả.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo khi gặp tình huống bị đòi tiền dù không vay, người dân có thể thực hiện một số biện pháp xử lý như sau:
- Đầu tiên, người dân phải bình tĩnh để xử lý tình huống. Giải thích ngắn gọn về việc không quen biết với người vay hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ mà bên đòi nợ đang đề cập đến. Người dân phải hỏi rõ thông tin đơn vị đòi nợ, nhắc nợ và yêu cầu cung cấp chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình. Trong quá trình trao đổi, người dân nên ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm bằng chứng.
- Thông báo, hướng dẫn cách xử lý cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp bị các đối tượng đòi nợ nhắn tin, gọi điện làm phiền với nội dung như trên.
- Sử dụng tính năng chặn cuộc gọi, tin nhắn làm phiền có sẵn trên máy để chặn các đối tượng đói nợ. Đối với mạng xã hội như Facebook, người dân có thể khóa bình luận của người lạ.
- Nếu tình trạng làm phiền kéo dài, thậm chí bị "khủng bố" điện thoại, người dân có thể trình báo đến Công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như thông tin về giấy tờ tùy thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi sinh sống, nơi làm việc... cho các đối tượng gọi điện đòi nợ.
Theo Dân trí, Bộ Công an khuyến cáo để đảm bảo nhu cầu vay tiền, vừa bảo vệ người thân, bạn bè, đồng nghiệp, người dân khi vay tiền phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chinh sách cụ thể về lãi suất cho vay...
Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp yêu cầu cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong đơn vị không vay tiền qua các ứng dụng không rõ nguồn gốc đồng thời không được nhân danh đơn vị hoặc cung cấp số điện thoại cơ quan, đồng nghiệp để thực hiện thủ tục vay tiền.