Khi thủy triều xuống, người dân làng biển lại mang đồ nghề ra bờ đá cạo thứ rau mọc tự nhiên trên các ghềnh đá, được bà con gọi nôm na là “rau cạo”.
Ngoài nghề khai thác hải sản, một số người dân làng biển ở Quỳnh Lưu(Nghệ An) còn có những nghề để “hái ra tiền” khác, trong đó có nghề cạo rau mọc tự nhiên trên các ghềnh đá ở ven biển, người dân gọi đây là “rau cạo”.
Theo chân bà Nguyễn Thị Điểm ở thôn Cộng Hòa, xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) ra bãi đá biển cách nhà bà chưa đây 500m để lấy rau cạo. Chiếc lưỡi cạo cùng với chiếc thau là đồ nghề cần thiết để có thể cạo thứ rau này bám trên các tảng đá.
Vào khoảng tháng 2 – 5 dương lịch, rau cạo mọc nhiều trên các ghềnh đá biển ở huyện Quỳnh Lưu.
Theo bà Điểm, vào khoảng tháng 2 đến tháng 5 dương lịch là mùa lấy rau cạo, với người dân làng biển thì để tìm được loại rau này khong khó, bởi họ biết vùng biển nào mới có và thao tác cạo như thế nào để tránh các hạt sạt, ốc, đá dính vào rau. Để cạo được rau thì phải chờ khi thủy triều xuống, các ghềnh đá lộ ra mới lấy được.
Sau khoảng 4 giờ đồng hồ lấy rau từ các tảng đá, bà Điểm mang về khoảng hơn 2 kg rau cạo. Với giá bán hiện tại là 150.000 đồng/kg thì bà sẽ thu nhập khoảng 300.000 đồng.
Rau cạo sống bám trên đá, ưa ẩm ướt, có kích thước rất nhỏ và màu giống cà phê. Để lấy được thứ rau “đặc sản” này, người dân dùng lưỡi cạo áp vào đá để rau rơi vào thau.
“Đầu mùa, do người dân đi lấy ít nên giá bán 200.000 đồng/kg, nay nhiều người đi lấy nên giá giảm còn 150.000 đồng/kg. Mỗi tháng đi cạo rau, tôi kiếm thêm được 3 -4 triệu đồng”- bà Điểm nói.
Theo người dân làng biển, thứ rau “đặc sản” này chỉ có duy nhất ở vùng biển Quỳnh Lưu và bà con thường đi lấy rau tập trung ở các xã Quỳnh Long, Tiến Thủy…
Vào mùa, có người cạo được nhiều nhất khoảng 3 – 5 kg rau này, thu nhập từ 500.000 – 600.000 đồng/ngày. Khi cạo rau ở biển xong, người dân rửa sơ qua rồi mang về nhà rửa sạch, sàng kỹ để lọc hạt sạn, cát, đá rồi mới đem ra chợ bán.
Nếu không bán rau tươi thì bà con phơi rau dưới nắng đến khi khô dùng búa sắt hoặc chày gỗ đập cho đá, sỏi lẫn vào rau rơi ra hết. Sau đó rửa sạch nhiều lần rồi phơi khô vài nắng nữa là đóng gói; cứ 4 kg rau tươi sẽ cho 1 kg rau khô bán với giá 500.000 đồng/kg.
Rau cạo tươi được rửa sạch có giá bán 150.000 đồng/kg. Vào mùa, người dân sơ chế rau cạo khô để bảo quản và tiện sử dụng. Rau cạo có thể chế biến thành bánh ăn ghém với các loại rau, quả hoặc nấu canh có hương vị ngọt ngào, bổ dưỡng khi sử dụng trong mùa hè.
Từ món ăn dân dã của người dân làng biển, nhờ có hương vị đặc trưng mặn mòi vị biển và đặc biệt vào mùa hè, loại rau này ăn vào giúp thanh nhiệt, bổ mát nên dần dần món rau cạo trở thành “đặc sản” được người dân khắp nơi ưa chuộng, xuất hiện trong cả bữa tiệc tại các nhà hàng, khách sạn. Rau cạo có thể chế biến thành bánh ăn ghém với các loại rau, quả hoặc nấu canh có hương vị ngọt ngào. Bánh rau cạo ngon nhất là ăn cùng cá kho..
Ông Bùi Văn Phúc – Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) cho biết thêm, nghề đi lấy rau cạo có từ thời cha, ông và hiện nay vẫn được người dân săn tìm để kiếm thêm thu nhập.