Bữa ăn và giấc ngủ đều quan trọng, nên chúng ta tránh những lời lẽ hay việc làm nào ảnh hưởng đến người khác.
Vì sao không dạy con trước khi ăn ?
“Không mắng con trước bữa ăn” dễ hiểu theo nghĩa đen, nghĩa là không được mắng, hoặc dạy dỗ nghiêm khắc trẻ nhỏ trước khi ăn. Tại sao vậy?
Trẻ con dễ sợ sệt hoặc buồn tức ảnh hưởng tâm lý, ăn không ngon miệng, ăn ít, đồ ăn vào dạ dày khó hấp thu dinh dưỡng, ảnh hưởng tới dạ dày. Lâu dần sẽ hình thành một loại áp lực vô hình, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thể chất và tinh thần.
Cha mẹ nên dạy con, hướng dẫn con, nhắc nhở con bất cứ lúc nào trong cuộc sống hàng ngày, đó là điều đương nhiên. Nhưng không nên dạy con trước khi ăn, càng không nên khiển trách chúng trước giờ dùng bữa. Trẻ đang trong giai đoạn phát triển cơ thể cần được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn đủ chất và ngon miệng là là những yếu tố đầu tiên.
Tất nhiên việc dạy dỗ, giáo dục con cái là điều mà mỗi phụ huynh cần làm tốt. Khi con phạm lỗi, cha mẹ đương nhiên phải chỉ ra lỗi sai cho con.
Nhất là khi con cái đang trong giai đoạn phát triển thể chất, dinh dưỡng và ăn uống là đặc biệt quan trọng, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và còn ảnh hưởng đến tâm lý.
Bữa ăn là nơi thể hiện tình yêu thương trong gia đình
Hầu hết các gia đình Việt Nam đều có truyền thống tốt đẹp là cùng ăn cơm chung. Trong mỗi bữa cơm gia đình, mọi người ngồi quây quần quanh một mâm cơm, từ ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt cùng ăn cơm với nhau.
Bữa cơm là lúc cả nhà có mặt ngồi quây quần quanh mâm cơm, mọi người vừa ăn vừa trò chuyện, mẹ hỏi con, cháu hỏi bà ríu rít; không khí ấm cúng của mâm cơm gia đình.
Những bữa cơm gia đình quan trọng không ở chỗ nhiều món ăn ngon mà là ở không khí đầm ấm, tuy có khi chỉ là bát canh rau muống luộc, chút dưa tương, không thịt, không cá, nhưng đầy đủ mọi thành viên trong gia đình…
Những giây phút cùng nhau tận hưởng, chìm đắm trong tình yêu thương, niềm hạnh phúc gia đình mới là mục đích chính của bữa cơm sum vầy chứ không hẳn là vì món ăn ngon. Đó là ý nghĩa đích thực và sâu sắc của mâm cơm gia đình.
Trước khi ngủ không mắng vợ
Trước khi đi ngủ, vợ chồng thường dễ cãi nhau, xích mích. Khi phiền não của một ngày kết thúc, hai vợ chồng sẽ ngồi ngẫm lại nhưng sự việc xảy ra trong ngày, trong quá trình đó có thể xuất hiện những điểm bất đồng, thậm chí cãi vã.
Đã là vợ chồng thì chắc chắn sẽ khó tránh khỏi những mâu thuẫn, ma sát tâm tính giữa cuộc sống hàng ngày. Hai vợ chồng trước khi đi ngủ mà cãi vã, khẳng định sẽ ảnh hưởng chất lượng của giấc ngủ.
Giữa vợ chồng với nhau, đôi khi “qua lại vài câu” là điều khó tránh khỏi, cũng là điều dễ hiểu. Nhưng việc gì cũng cần có ‘giới hạn’, nếu quá giới hạn sẽ làm hại đến tình cảm vợ chồng, ảnh hưởng đến mối quan hệ trong gia đình.
Thời nay có nhiều cặp vợ chồng trẻ, mỗi khi có xích mích, có chuyện không vui thì thường cãi nhau to, thậm chí là muốn ly hôn. Người xưa thường nói: “Tu trăm năm mới chung thuyền, tu nghìn năm mới chung chăn gối”. Nên duyên vợ chồng là kết quả của duyên phận, giữa hai người với nhau cần hiểu và lượng thứ cho nhau. Bởi vậy, hãy biết trân quý mối lương duyên tốt đẹp hiếm có đó.
Giấc ngủ là khoảng thư giãn sau ngày làm việc vất vả
Giấc ngủ cũng có ý nghĩa quan trọng không kém, thông thường chúng ta dành khoảng 1/3 thời gian của mình trong phòng ngủ. Đây là khoảng thời gian để bạn có thể hồi phục lại năng lượng đã mất sau một ngày dài hoạt động. Một giấc ngủ ngon sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình sống của mỗi người.
Giấc ngủ cũng có tác động trực tiếp đến tinh thần của bạn. Nếu ngủ ngon giấc, bạn sẽ cảm thấy luôn tỉnh táo và thoải mái vào ngày hôm sau. Năng lượng tuyệt vời sẽ giúp bạn giảm căng thẳng mệt mỏi, và hoàn thành tốt công việc của mình.
Kết luận: Trước giờ ăn hay giấc ngủ, chúng ta hết sức tránh, không làm việc dễ gây tổn thương nhau. Và hơn thế nữa, cho dù là lời dạy bảo, giáo huấn, khuyên răn, hay đơn giản là chia sẻ kinh nghiệm sống, chúng ta cũng cần chọn thời điểm và không gian phù hợp, để lời góp ý đạt hiệu quả tốt hơn, và tránh làm tổn thương những người xung quanh…