Không có phương pháp tránh thai nào là 100% đâu các chị em nhé. Mình thấy rất nhiều người ca ngợi về đặt vòng, lấy bằng chứng là các bác sĩ đều đặt vòng cả nhưng cũng không phải tất cả đều ổn.
Vừa hôm nay lên báo mình đọc được trường hợp của một người phụ nữ vẫn cấn bầu sau 3 năm đặt vòng. Đáng nói là ngay sau khi phát hiện bác sĩ đã phải cấp cứu khẩn cấp để giữ an toàn sự sống cho chị này.
Mình chia sẻ lại câu chuyện ở đây cho các chị em cùng biết mà tham khảo nhé
Trường hợp này là chị Đ.T.C.T. (32 tuổi). Chị cho biết bản thân vốn là người có chu kỳ hàng tháng đều đặn. Chị T. từng sinh mổ 1 lần năm 2020, sau đó áp dụng biện pháp ngừa thai là đặt vòng tránh thai.
Đặt vòng vẫn phải theo dõi thường xuyên, ảnh: DAS
Cho tới gần đây, chị thấy mình có bất thường là bị ra huyết â.m đ.ạ.o và đau bụng nhiều nên đã đi kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ đã xác định chị có thai thông qua test nhanh. Tuy nhiên, qua siêu âm bác sĩ lại không xác định được vị trí khối thai, chị được bác sĩ lấy vòng ra và hẹn tái khám sau một tuần.
Vài ngày sau, chị T tiếp tục bị ra huyết và đau bụng nhiều hơn nên đến khám tại bệnh viện tỉnh. Lúc này, xét nghiệm máu của chị phát hiện beta HCG (hormone do bánh nhau sản xuất) cao và bác sĩ siêu âm nghi ngờ thai ngoài tử cung ở vòi trứng bên trái. Sau đó, bệnh viện tỉnh khuyên chị đến Bệnh viện Từ Dũ để được mổ bảo tồn vòi trứng thay vì phải cắt nếu mổ ở đây, để không ảnh hưởng tới kế hoạch sinh con tiếp theo.
Tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Từ Dũ hôm 7/5, sau khi thăm khám và xét nghiệm cho chị T, các bác sĩ nghi ngờ đây là trường hợp thai ngoài tử cung trong ổ bụng rất hiếm gặp. Siêu âm cho bệnh nhân đã thấy khối thai to với phôi thai dài 10 mm, không có tim thai, nằm sâu trong vách chậu bên trái.
Bệnh viện cho biết thêm, trường hợp thai trong ổ bụng tuy hiếm gặp của thai ngoài tử cung, chỉ chiếm khoảng 1% trường hợp thai ngoài tử cung nhưng tỷ lệ 'ra đi' của người mẹ cao gấp 8 lần so với thai ngoài ở vòi trứng.
Chị em không nên chủ quan với sức khỏe, ảnh: DSA
Với ca bệnh nhân này, các bác sĩ trực nhanh chóng hội chẩn và lên kế hoạch phẫu thuật nội soi. Khối thai của chị T khoảng 7 tuần, bám sâu vào vách chậu bên trái. Với vị trí này, phẫu thuật viên cần bóc tách bộc lộ rõ niệu quản và các mạch máu lớn vùng chậu để tránh làm tổn thương trong lúc cắt bỏ khối thai.
Suốt 2 giờ mổ, chị T không cần phải truyền máu. Một ngày sau mổ, chị có thể tự đi lại, ăn uống bình thường, không sốt, vết mổ khô và hầu như không còn đau đớn.
Các bác sĩ cho biết thêm việc chẩn đoán thai ở vị trí ổ bụng thường dễ bị bỏ sót cho đến khi có biến chứng như vỡ, xuất huyết nội hoặc chỉ được phát hiện trong lúc mổ thám sát tình trạng bụng ngoại khoa.
Nếu khối thai vỡ, khả năng mất máu lượng lớn sẽ cao hơn thai ở vòi trứng gấp nhiều lần. Ngoài ra, bệnh nhân có nguy cơ rơi vào sốc do mất máu nhiều rất cao.
Qu trường hợp này, bệnh viện đưa ra khuyến cáo tới mọi người là hiện tại, không có phương pháp ngừa thai nào có tỷ lệ thành công là 100%. Chính vì vậy sau khi đặt vòng, chị em phụ nữ vẫn cần chú ý tới việc tái khám phụ khoa định kỳ mỗi năm để kiểm tra vị trí vòng, như vậy sẽ đảm bảo khả năng ngừa thai cao nhất và tránh những điều không đáng có xảy ra.