Vợ ốm mới nằm viện về nhờ chồng nấu giùm bữa ăn, anh hục hặc vào bếp: Nhìn bát canh, cô ly hôn liền

   

Lúc ốm được chồng nấu cho bát canh, cô vợ chẳng những không xúc động mà còn đùng đùng đòi ly hôn. 

Đời sống hôn nhân đôi khi có những mâu thuẫn tích tụ theo thời gian và không được giải quyết triệt để sẽ dẫn đến nguyên nhân khiến đường ai nấy đi mà không cần lỗi gì quá to tát, nghiêm trọng. 

Điển hình là tâm sự của một người vợ mà mình mới đọc gần đây. Khi cô ốm, chồng vào bếp nấu cho bát canh nhưng lại chạm đến đỉnh điểm chịu đựng của cô nên tức nước vỡ bờ. 

“10 năm kết hôn, sống cạnh chồng nhưng tôi có cảm giác mình giống như mẹ đơn thân, một mình nuôi con, lo liệu cuộc sống. Chồng đơn giản chỉ là cái tên trong tờ giấy đăng ký kết hôn. Còn lại, chưa bao giờ tôi cảm nhận được sự yêu thương, che chở từ anh.

Cuộc hôn nhân của tôi với anh, tuy cả 2 tình nguyện ký giấy song chỉ một mình tôi xoay xở, duy trì nó. Từ việc nhà cửa, đối nội, đối ngoại tới chăm con, đều mang tên tôi. Thậm chí bóng điện cháy, ống nước hỏng tôi cũng phải tự tay sửa. Còn anh, mỗi lần được nhắc san sẻ công việc cùng vợ là nhăn nhó đáp: “Em làm được thì làm, còn không để đó””, cô vợ trải lòng. 

hình ảnh

(Ảnh minh họa trái: kknews / Ảnh minh họa phải: Dân Việt)

Bước vào hôn nhân, người vợ càng cảm nhận rõ sự thờ ơ từ chồng. Những việc lãng mạn như mua hoa tặng, nhớ ngày kỷ niệm… đều trở nên vô nghĩa từ khi họ thành vợ chồng. 

“Nhiều khi thấy bạn bè, hàng xóm được chồng dẫn đi ăn, đi chơi, tôi chạnh lòng nhắc khéo chồng, tỏ ý muốn được cùng anh “đổi gió hâm nóng yêu thương”, tạo một chút không khí lãng mạn cho cuộc sống hôn nhân đỡ tẻ nhạt. Song lần nào nói chuyện, tôi cũng bị chồng giội cho gáo nước lạnh:

“Em là phụ nữ có chồng rồi, còn trẻ con nữa đâu mà thích học đòi mấy cái trò vớ vẩn ấy”.

Không biết bao nhiêu lần tôi bị anh làm cho tủi thân rơi nước mắt. Nhưng rồi lại phải tự an ủi, động viên mình rằng, anh tuy không lãng mạn, không ấm áp như mong mỏi song đổi lại không gái gú, rượu chè, xem như cũng hơn nhiều người khác.

Nghĩ như thế, tôi lại nỗ lực cố gắng một mình, những mong sẽ có ngày anh thay đổi, biết nghĩ cho vợ hơn. Tiếc rằng thực tế hoàn toàn ngược lại.

Cũng bởi stress quá mà tôi bị đau dạ dày. Bệnh tái phát, tự điều trị bằng thuốc tại nhà không đỡ, tôi phải vào viện điều trị hơn 1 tuần. Vậy mà chồng vẫn dửng dưng như không liên quan, hàng ngày anh vẫn đi sớm về muộn. Tôi nằm viện một mình, thi thoảng mẹ đẻ hoặc em gái mang đồ vào cho, chồng tuyệt nhiên không vào tới viện thăm vợ. Tủi quá, tôi nhắn tin trách:

“Chẳng lẽ công việc với anh quan trọng tới thế? Em ốm ngần ấy ngày, anh không lo lắng sốt ruột gì sao?”.

Anh lạnh lùng đáp: “Có gì mà phải sốt ruột. Anh đã đăng ký cho em nằm phòng dịch vụ, hàng ngày có bác sĩ, y tá chăm sóc tận tình. Em còn đòi hỏi thế nào nữa?”.

Sức khỏe cải thiện, tôi tự bắt taxi về, chồng báo bận không vào đón. Ngay chiều hôm vợ ra viện, anh lại định lái xe đi hội họp bạn bè, tôi gàn bảo:

“Em vẫn còn yếu, anh ở nhà nấu đỡ vợ bữa cơm. Em chưa vào bếp được”.

Ban đầu mặt anh nhăn nhó, khó chịu định vẫn đi nhưng đúng lúc ấy bạn gọi tới hủy hẹn, anh mới đành cất xe vào nhà để xuống bếp nấu nướng. Song tới lúc nhìn bát canh dưa chồng đặt lên mâm, tôi ngây người hụt hẫng. 

Vợ bị viêm loét dạ dày tới chảy máu phải vào viện cấp cứu mà anh vẫn nấu canh dưa chua, còn bỏ ớt tới đỏ ngòm cả bát.

Thấy vợ không cầm đũa, anh giục:

“Sao? Hành chồng vào bếp nấu cho ăn, giờ lại cứ ngồi nhìn thế? Mà anh nói trước, ăn xong tự phải rửa bát đấy, anh không rửa cho đâu”.

Cố nuốt nước mắt vào trong, tôi nhẹ nhàng hỏi lại chồng:

“Dạ dày của em đang đau như vậy, làm sao ăn được mấy đồ chua cay bỏng lưỡi thế mà anh nấu?”.

Mặt khó chịu, đặt mạnh chiếc bát trên tay xuống bàn, anh gằn giọng với vợ:

“Cô chỉ giỏi vẽ chuyện. Tôi đã phải chui đầu vào bếp nấu nướng phục vụ cô ăn, giờ còn ngồi đó chê bai cay mặn. Ăn được thì ăn, không ăn thì nhịn”.

Câu nói của chồng khiến bao cay đắng, nín nhịn trong tôi như dân lên tận cổ. Không chịu đựng được nữa, tôi đứng thẳng dậy, dõng dạc nói với chồng:

“10 năm nay, tôi dùng hết thanh xuân tuổi trẻ của mình để chăm sóc, phục vụ anh, chưa từng 1 lần lên tiếng kêu than. Anh chỉ nấu cho vợ 1 bữa cơm, còn nấu món tôi chẳng thể ăn, vậy mà lại cho mình cái quyền trách móc, dọa nạt tôi?

Tôi làm vợ chứ không phải người ở của anh. Tôi lấy chồng là để có người yêu thương chăm sóc, cho tôi dựa vai lúc ốm đau, hoạn nạn. Nhưng sống với anh, tôi chỉ có hi sinh, chẳng được nhận lại. Tôi mệt mỏi quá rồi, không còn đủ sức làm vợ anh nữa. Mình ly hôn đi”.

Vậy là tôi dứt khoát ký đơn, giải thoát cho mình thoát khỏi cuộc hôn nhân thiếu vắng sự yêu thương, chia sẻ”, người phụ nữ trải lòng. 

hình ảnh

(Ảnh minh họa Báo Phụ Nữ)

Nếu chỉ vì bát canh chồng nấu không đúng ý mà cô vợ ly hôn thì chưa phải bởi hôn nhân của họ đã xuất hiện rạn nứt từ năm này qua tháng nọ và giờ như giọt nước tràn ly. Trong hôn nhân, sự vô tâm của bạn đời dễ khiến người còn lại cảm thấy ấm ức, tủi hờn, mệt mỏi và đây cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ly hôn. 

Nhiều cặp khi còn tìm hiểu đã dành sự quan tâm, thời gian cho nhau rất nhiều nhưng khi về chung nhà lại hờ hững, không còn để tâm đến đối phương, dần mất đi những điều lãng mạn tối thiểu. 

Nói về sự vô tâm trong hôn nhân vốn có nhiều lý do, như áp lực cuộc sống, khác biệt tính cách, mâu thuẫn kéo dài mà không được giải quyết triệt để, ngoại tình hay thậm chí là vì nhàm chán, giảm hứng thú với đối phương… 

Để duy trì một cuộc hôn nhân, vốn dĩ rất cần trách nhiệm từ cả vợ lẫn chồng bởi một bàn tay không thể vỗ thành tiếng. Như câu chuyện trên, người vợ đã gánh gồng quán xuyến gia đình trong thời gian dài mà không được chồng chia sẻ, đỡ đần hay thấu hiểu. Thậm chí, khi cô bệnh nhập viện, anh cũng thờ ơ, không thèm để tâm đến. Dù người vợ có gồng mình, cố gắng bao nhiêu nhưng không có sự hợp tác từ chồng thì mọi thứ cũng thành vô ích.