Đột quỵ có thể xảy ra tại mọi thời điểm trong năm nhưng theo nhiều nghiên cứu từ các quốc gia thì nguy cơ đột quỵ cao hơn trong những tháng lạnh.
Đột quỵ được ví như "sát thủ giấu mặt", là nguyên nhân tử vong đứng thứ 3 chỉ sau ung thư và bệnh tim mạch nhưng đứng hàng đầu về tỉ lệ tàn tật. Đáng nói, ngày nay, bệnh đột quỵ có thể xuất hiện ở bất kì đối tượng nào.
Đột quỵ có thể xảy ra tại mọi thời điểm trong năm nhưng theo nhiều nghiên cứu từ các quốc gia thì nguy cơ đột quỵ cao hơn trong những tháng lạnh. Một nghiên cứu trên Tạp chí Dịch tễ học Châu Âu khẳng định thời tiết lạnh có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ lên 30%.
Tại sao đột quỵ thường xảy ra hơn khi thời tiết lạnh?
Thời tiết lạnh, nhiệt độ giảm đột ngột sẽ làm co các mạch máu trên bề mặt cơ thể, tăng lượng máu về tim và trong mạch máu. Từ đó tăng gánh nặng cho tim, tăng huyết áp và nguy cơ đột quỵ.
Nhiệt độ lạnh còn có thể kích thích dây thần kinh giao cảm, gây co thắt mạch máu, tăng độ nhớt của máu, tăng huyết áp và các thay đổi khác dẫn đến đột quỵ, xuất huyết não.
Nhiều dữ liệu nghiên cứu xác nhận rằng tập luyện phù hợp có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ. Trong khi đó, thời tiết lạnh khiến người dân không thoải mái khi tham gia các hoạt động ngoài trời và giảm số lượng vận động, do đó cũng góp phần tăng nguy cơ đột quỵ.
Thời tiết lạnh làm tăng nồng độ các hormone trong cơ thể như adrenaline, thyroxine, insulin..., tăng nhu động đường tiêu hóa, tăng chuyển hóa đường khiến cơ thể có cảm giác đói và thèm ăn. Ăn nhiều, vận động ít dẫn đến tăng cân và có nguy cơ mắc bệnh béo phì. Từ đó nguy cơ đột quỵ cũng tăng theo.
Các dấu hiệu đột quỵ có thể xuất hiện và biến mất rất nhanh, lặp đi lặp lại nhiều lần, bao gồm:
- Cơ thể mệt mỏi, đột nhiên cảm thấy không còn sức lực, tê cứng mặt hoặc một nửa mặt, nụ cười bị méo mó.
- Cử động khó hoặc không thể cử động chân tay, tê liệt một bên cơ thể.
- Khó phát âm, nói không rõ chữ, bị dính chữ, nói ngọng bất thường.
- Hoa mắt, chóng mặt, người mất thăng bằng đột ngột, không phối hợp được các hoạt động.
- Thị lực giảm, mắt mờ, không nhìn rõ
- Đau đầu dữ dội, cơn đau đầu đến rất nhanh, có thể gây buồn nôn hoặc nôn
3 thời điểm trong ngày dễ gây đột quỵ, người khỏe mạnh cũng phải cẩn thận
1. Bật dậy vội vàng ra khỏi giường vào sáng sớm
Theo bác sĩ chuyên khoa cấp cứu nổi tiếng Đài Loan (Trung Quốc) Huang Xuan, thời tiết lạnh khiến tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ hay đột tử ngay cả những người vốn khỏe mạnh. Và vào sáng sớm, nếu bạn vội vàng ra khỏi giường ngay khi vừa dậy thì rất dễ dẫn đến sốc nhiệt, co rút mạch máu, dẫn tới đột quỵ.
Khi thức dậy, tốt nhất nên nằm thêm 3-5 phút, ra khỏi chăn từ từ, vận động nhẹ nhàng trên giường làm nóng cơ thể, mặc thêm áo ấm rồi mới rời khỏi giường.
2. Tập thể dục vào sáng sớm hoặc tối muộn
Cho dù bạn là người có thói quen chăm tập thể dục sáng tối nhưng vào mùa lạnh cũng tránh đi tập sớm quá hoặc muộn quá. Theo bác sĩ Haung Xuan, nguy cơ đột quỵ và đột tử do tập thể dục mùa lạnh hầu hết đến từ 2 nguyên nhân. Một là thời điểm tập luyện và hai là cường độ tập luyện.
Sáng sớm, tối muộn là những thời điểm thường có nhiệt độ thấp nhất trong ngày, chênh lệch nhiệt độ ngoài trời và trong nhà cũng rất cao. Vì vậy, nếu tập thể dục vào khoảng thời gian này, dễ dẫn tới đột quỵ. Đặc biệt, với người có sức khỏe kém thì càng nguy hiểm. Bên cạnh đó, khi tập luyện trong mùa lạnh cần tránh gắng sức quá mức và phải khởi động kỹ để làm ấm cơ thể trước khi tập để an toàn hơn.
3. Rửa mặt, đánh răng hay vệ sinh bằng nước lạnh mỗi sáng
Nhiều người chủ quan nghĩ rằng việc này không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Thực tế, đánh răng, rửa mặt bằng nước lạnh trong mùa đông có thể tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới sốc nhiệt, co rút mạch máu và đột quỵ. Để an toàn hơn, bạn nên đánh răng, rửa mặt với nước ấm mỗi sáng, không vì vội vàng mà dùng ngay nước lạnh.
Chủ động hạn chế đột quỵ mùa lạnh
Theo TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chia sẻ, để phòng ngừa đột quỵ ngoài việc kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết, bệnh tim mạch, có chế độ ăn lành mạnh, tránh căng thẳng, stress trong cuộc sống... thì cần một số lưu ý riêng về chăm sóc sức khỏe trong mùa lạnh như là:
- Nên vận động nhẹ nhàng từ 3 - 5 phút trước khi xuống giường vào buổi sáng.
- Không để nhiệt độ trong nhà và ngoài trời quá chênh lệch.
- Uống nước ấm, hạn chế ăn đồ lạnh.
- Không tắm quá muộn và sử dụng nước ấm khi tắm.
- Giữ ấm cơ thể, nhất là khi ra ngoài.
-Tăng cường hoạt động thể dục nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày để hỗ trợ tim mạch, cần tuân theo nguyên tắc không hoạt động quá sức.